Trong quá trình ly hôn, chia tài sản (재산분할) luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số kiến thức khi chia tài sản khi ly hôn tại Hàn Quốc.
1. Tỉ lệ chia tài sản là 50:50?
Câu trả lời là không. Tài sản được chia theo mức độ đóng góp (기여도) trong hôn nhân. Vậy nếu một người là nội trợ không đi làm có được tính là có đóng góp không? Câu trả lời là có. Bởi lẽ việc chăm con hay làm việc nhà cũng đều được quy ra mức lương của người trông trẻ hay giúp việc để tính. Ví dụ một người trông trẻ ở Hàn một tháng trung bình lương khoảng 3 triệu won, một năm 36 triệu won. Vậy người vợ hay chồng ở nhà trông con cũng được tính đóng góp số tiền như vậy trong hôn nhân.
Không chia tài sản 50:50 như một lợi thế cho người kiếm được nhiều tiền hơn. Ví dụ anh Park và cô Lee kết hôn, sau kết hôn cô Lee làm nội trợ, anh Park phát triển kinh doanh. Nhờ vào nỗ lực của mình cũng như sự giúp đỡ hỗ trợ vốn của người nhà, anh Park gây dựng được sự nghiệp lên đến 50 tỷ won. Với số tài sản lớn như này khi ly hôn. Cô Lee sẽ không thể nhận được 50% mà chỉ nhận được theo mức độ đóng góp của cô Lee trong cuộc hôn nhân này.
Khi chia tài sản cũng dựa vào những điểm như ai là người nuôi dưỡng con cái chính, ai có công việc ổn định và thu nhập nhiều hơn, một số trường hợp còn xét xem nguyên nhân dẫn đến ly hôn do ai, có trái với lẽ thường, gây tổn thương cho người còn lại không để làm căn cứ chia tài sản.
2. Tài sản được chia gồm những gì?
Hai loại tài sản được chia khi ly hôn là tài sản thực tế (적극재사) và tài sản nợ (소극재산). Tài sản thực tế bao gồm nhà, chung cư, đất, tiền mặt ,bảo hiểm. Lưu ý tiền lương hưu hay tiền thôi việc cũng có thể chia tài sản khi hôn nhân nên nếu có kế hoạch ly hôn cần đóng băng trước các khoản đó, tránh việc đối phương cố ý thụ nhận trước. Tài sản nợ như tên gọi bao gồm nợ chung của vợ chồng, tiền vay ngân hàng cũng như nợ cá nhân.
3.
Khi chia tài sản cần chú ý tới loại tài sản đặc thù (특유재산), đây là tài sản riêng của vợ hay chồng như thừa kế từ bố mẹ hoặc tài sản tiền hôn nhân. Loại tài sản này về lý thuyết không chia khi ly hôn. Nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt có thể chia khi ly hôn. Ví dụ lúc kết hôn hai vợ chồng anh Kim, cô Lee ở nhà mua từ trước khi kết hôn của anh Kim, căn nhà khi đó có giá trị 200 triệu won. Trong quá trình 5 năm sinh sống, cả hai cùng đóng phí quản lý, sửa chữa ngôi nhà. Khi ly hôn thì ngôi nhà được ước tính có giá trị 500 triệu won. Vậy trong trường hợp cô Lee vẫn có thể yêu cầu chia tài sản với ngôi nhà của anh Kim ở 2 hạng mục. Hạng mục 1 là cho những đóng góp của cô Kim trong thời gian sống chung, hạng mục 2 là chênh lệch giá nhà từ lúc bắt đầu sống đến thời điểm ly hôn.
4. Đồ vật đăt tiền tiêu biểu như túi xách, đồng hồ hiệu mua trong thời gian sống chung, khi ly hôn sẽ chia như nào?
Để xét thêm những đồ dùng này có thể chia khi ly hôn hay không, cần xét thêm đồ vật đó mua với mục đích là Cho tặng hay Đầu tư. Nếu mua với mục đích để sau này bán lại với giá cao hơn, có thể hiểu đây là đầu tư và có thể chia tài sản khi ly hôn. Còn với đồ dùng được mua với mục đích cho tặng, thông thường sẽ không chia được, tuy nhiên với nhiều trường hợp thời gian chung sống ngắn dưới 6 tháng, hai bên có thể yêu cầu hay thỏa thuận trả lại quà tặng ,sính lễ mua cho đối phương.
5. Người đứng tên nhà/ bất động sản sẽ được chia nhiều hơn?
Việc ai đứng tên nhà không quan trọng khi chia tài sản khi ly hôn. Khi ly hôn để định giá bất động sản, đặc biệt là chung cư, tòa án sẽ dựa vào Định giá bất động sản KB (KB부동산 평균가액) để định giá . Với trường hợp không thể dùng công cụ trên để định giá đất hay nhà tập thể, tòa nhà dùng để kinh doanh thì sẽ quy ước theo giá mà hai vợ chồng ước tính. Nếu hai bên đưa ra giá có mức chênh lệnh lớn, tòa án sẽ giao cho bên thẩm định chuyên môn đi điều tra thực tế để định giá. Với trường hợp này, thời gian để ra phán quyết ly hôn rất lâu, có thể đến vài năm. Vậy trong trường hợp giá nhà ở thời điểm đệ đơn kiện ly hôn và thời gian ra phán quyết ly hôn chêch lệch lớn sẽ phải làm thế nào? Trong trường hợp này, giá nhà được áp dụng theo thời điểm định giá ở phiên biện luận cuối cùng trước phiên tòa ra phán quyết.
Ví dụ: Khi đệ đơn ly hôn giá bất động sản là 500 triệu won, đến phiên tòa hai bên biện luận, tranh cãi cuối cùng (phiên cuối trước phiên ra phán quyết), giá nhà lên đến 700 triệu won. Vậy trong trường hợp này, giá nhà được định giá là 700 triệu won.
Trong quá trình kiện ly hôn, dù biết trước được đối phương có bao nhiêu tài sản thì trong quá trình kiện tụng, không thể tránh khỏi khả năng đối phương giấu hay tẩu tán tài sản. Chính vì thế trước khi chính thức bắt đầu cho “cuộc chiến” này, hãy tìm tới luật sư để làm trước các thủ tục xác nhận và đóng băng tài sản (가처분) của đối phương để đảm bảo quyền lợi của bản thân nhé.
Nguồn: Luật sư Hàn Quốc – 한국변호사